Hồi sinh thung lũng bom đạn

Những địa danh Khe Sanh, cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn… vốn không xa lạ trong chiến tranh. Thung lũng phía tây Quảng Trị từng là một trong những địa bàn chiến lược của cả ta và địch, diễn ra những trận đánh ác liệt, bom đạn cày xới từng khoảnh đất.

Du khách tham gia tour, len lỏi giữa vườn cà phê để hái trái

Gần 50 năm sau, ở vùng đất H.Hướng Hóa cao hơn mực nước biển 800 m có khí hậu ôn hòa này, cây cà phê bén rễ trên dải đất mênh mông 3.900 ha, với 6.000 nông hộ chăm bón. Cơm no áo ấm cho người dân bản địa đã đành, cây cà phê cũng biến Khe Sanh thành một trong những thủ phủ cà phê của nước Việt với hương vị thơm ngon, riêng có.

Khe Sanh luôn là vùng đất hấp dẫn, mời gọi du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Harro Boekhold, chuyên gia du lịch của PUM (Tổ chức Hỗ trợ phát triển quốc tế của Bộ Ngoại giao Hà Lan), là một trong số đó, và cũng chính ông trở thành một trong những người nêu ra ý tưởng về tour cà phê Khe Sanh.

Với Harro Boekhold, Khe Sanh không chỉ có chiến tranh khốc liệt như trong quá khứ, mà nay đã đổi khác với cây cà phê. Vậy nên, "Make coffee, not war" (làm cà phê chứ không phải chiến tranh) đang là khẩu hiệu quảng bá và tiếp thị cho hoạt động du lịch nông nghiệp nơi đây.

Nhâm nhi cà phê bên máy bay C-130

Cuối năm 2023, khi cà phê Khe Sanh vào vụ, những trái cà phê chín mọng, trĩu cành cũng là lúc những tour "Khe Sanh coffee" đầu tiên được tổ chức. Đây được xem là tour du lịch nông nghiệp đầu tiên, đưa du khách trải nghiệm một ngày làm nông dân thu hoạch, hiểu quy trình chế biến và thưởng thức cà phê ngon Khe Sanh. Du khách tham gia tour được trải nghiệm gần như đầy đủ quy trình trồng, hái cà phê, chế biến cà phê tươi rồi rang xay thành phẩm và thưởng thức.

Du khách thưởng thức hương vị cà phê đặc sản bên chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 ở di tích sân bay Tà Cơn

Điểm đặc biệt của tour du lịch này, theo anh Trần Thái Thiên (nhóm du lịch cộng đồng Khe Sanh), ngoài việc mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, còn tạo mạch nguồn kết nối hiện tại - quá khứ. Bởi họ sẽ đi len lỏi giữa những vườn cà phê đặc sản mà xưa kia là chiến trường, được nghe giới thiệu về cách trồng cà phê khi phía xa xa là những di tích lịch sử, những cứ điểm cũ…

Cùng với những chiếc gùi của người Vân Kiều trên lưng, du khách được hái những trái cà phê chín. Họ nghe tiếng chim hót, nhìn thấy giọt sương sớm rung rinh trên lá cây cà phê, khi những tia nắng miền sơn cước đầu tiên rọi xuống thung lũng. Khách cũng được chủ vườn cà phê kể về quá trình trồng cà phê hữu cơ như thế nào…

Du khách tham gia công đoạn tinh lựa cà phê chất lượng

"Tôi sẽ nói cho họ nghe vì sao tôi đến với cây cà phê. Vì sao dùng vỏ cà phê bón cho cây, cắt cỏ chứ không dùng hóa chất?", ông Hoàng Luận (chủ vườn cà phê hữu cơ ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) nói.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điểm thú vị tiếp theo, du khách mang trái cà phê vừa hái vào khu vực sơ chế. Họ quan sát, hoặc có thể tham gia vào các công đoạn rửa sạch, loại bỏ hạt kém chất lượng, ngâm ủ, phơi, rang…

Tour cà phê Khe Sanh "chốt hạ" tại một địa điểm đặc biệt: di tích quốc gia sân bay Tà Cơn. Du khách thưởng thức hương vị cà phê đặc sản do chính mình hái, chế biến ngay bên cạnh chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 cũ kỹ.

"Cà phê là thức uống phổ biến, ở đâu uống cũng được. Nhưng uống theo cách này, uống ở đây thì quả nhiên thú vị. Bởi ở đây còn là dịp để trải nghiệm văn hóa địa phương", Dương Xuân Lan, cô gái trẻ đến từ Hà Tĩnh, xúc động chia sẻ khi tham gia tour.

Nhiều du khách nước ngoài cũng bày tỏ sự thích thú với trải nghiệm này, khi được nghe câu chuyện của chiến tranh trong quá khứ và cà phê của hiện tại, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình… Những người khai sinh tour cà phê Khe Sanh không dừng ở vài đoàn người nhỏ lẻ đi xuyên qua rừng cà phê, mà đang tìm kiếm sự kết nối rộng rãi hơn. Họ hướng đến đối tượng là du khách nội địa (tour ngắn ngày) và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam (tour dài ngày, có thể 1 tuần). Ý tưởng đào tạo cho người dân bản địa, về tiếng Anh, nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ kể chuyện, tiếp đón du khách cũng được tính đến. Chẳng có gì là không thể, khi Khe Sanh còn đó quá khứ bi hùng và có sẵn loại cà phê chè arabica trứ danh.

Tôi sẽ nói cho họ nghe vì sao tôi đến với cây cà phê. Vì sao dùng vỏ cà phê bón cho cây, cắt cỏ chứ không dùng hóa chất?

Ông Hoàng Luận (chủ vườn cà phê ở H.Hướng Hóa, Quảng Trị)